Điều trị vẹo cổ bẩm sinh do cơ ức đòn chũm bị co rút
Vẹo cổ bẩm sinh do cơ ức đòn chũm bị co rút là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh. Trên lâm sàng ta có thể quan sát thấy trẻ nghiêng đầu về một bên và có thể sờ thấy trên cơ ức đòn chũm có một khối u cơ rắn chắc (khác với phản ứng hạch trong các chứng viêm nhiễm). Nguyên nhân chủ yếu của chứng này có thể do tư thế xấu của thai nhi trong tử cung; người mẹ khi mang thai thiếu vận động dẫn đến nuôi dưỡng cơ ức đòn chũm bị hạn chế; hoặc trong khi sinh nở cơ ức đòn chũm bị chấn thương, mạch máu trong cơ bị xuất huyết , từ cục máu đông bị xơ hoá kích thích nhóm cơ này co rút.
Chẩn đoán
Trẻ sau khi sinh trên cơ ức đòn chũm thấy có một khối u rắn chắc (khối u có thể tự biến mất sau độ 3- 4 tháng), cơ co rút nổi lên như một sợi dây cứng kéo lệch đầu về một bên và mặt nghiêng về phía đối diện, lâu dài có thể bị vẹo, hạn chế vận động cột sống, biến dạng xương sọ mặt nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
Điều trị
Nếu được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể khỏi hoàn toàn, càng để muộn sẽ dễ dàng gây nhiều biến chứng và khó khăn cho việc điều trị, thậm trí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe.
- Điều trị bảo tồn (phi phẫu thuật): Thích hợp với trẻ dưới một tuổi, sau sinh được 2 tuần tuổi nên tiến hành trị liệu, có thể chườm nóng cục bộ, xoa bóp, nắn chỉnh và cố định đầu (Khi trẻ ngủ có thể dùng bao cát để cố định đầu) mục đích làm dãn, mềm cơ bị co cứng, phục hồi chức năng của cột sống cổ.
- Điều trị bằng phẫu thuật: Thường áp dụng đối với trẻ trên một tuổi, sau khi đã được điều trị bảo tồn tích cực, đúng phương pháp trên 6 tháng mà không có kết quả. Thường phẫu thuật cắt cả 2 đầu dưới của cơ ức đòn chũm, sau đó cố định thạch cao 3-4 tuần và lại tiếp tục phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu.
Hình 2. Cố định sau phẫu thuật cơ ức đòn chũm
Điều trị bằng xoa bóp:
Mục đích: Thư cân, hoạt huyết, thông lạc. Nhuyễn kiên, tán kết, tiêu thũng. Nắn chỉnh đầu cổ, cải thiện và hồi phục chức năng hoạt động của cột sống cổ.
Thao tác: bệnh nhi nằm hoặc ngồi
1. Thầy thuốc dùng bề mặt vân tay ngón cái hoặc dùng bề mặt vân tay ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn day cơ ức đòn chũm 5-6 phút.
2. Bóp day cơ ức đòn chũm 3-5 phút (dùng lực nhẹ nhàng, mềm mại).
Hình 3. Bóp day cơ ức đòn chũm
.Thầy thuốc một tay cố định vai, lòng bàn tay kia ôm lấy đỉnh đầu bệnh nhi đẩy đầu bệnh nhi từ từ ngả vào vai bên lành, làm như vậy vài lần.
4. Một tay thầy thuốc đỡ lấy quai hàm bên lành, tay kia đỡ lấy đầu bên bệnh nhẹ nhàng, chậm rãi xoay chuyển mặt trẻ về bên bệnh (vận động trong phạm vi sinh lý), làm như vậy 5 lần.
5. Tiếp tục day cơ ức đòn chũm 3-5 phút.
6. Bóp huyệt kiên tỉnh kết thúc điều trị
Chú ý:
Trong sinh hoạt thường ngày, khi bế ãm, khi cho bú cố gắng để đầu, cổ của trẻ ngược với tư thế bị vẹo. Khi cho trẻ chơi lợi dụng ánh sáng, tiếng động của đồ chơi để kích thích trẻ chủ động xoay cổ giống như được thầy thuốc nắn chỉnh.(Vận động chủ động, kéo dãn chủ động tốt hơn ỉ lại vào vận động thụ động của thày thuốc)
Người chăm sóc trẻ nên nên phối hợp với thày thuốc và thường xuyên làm các động tác trên. (mỗi ngày nhiều lần, kiên trì trong nhiều tháng).
TS. Nguyễn Vui
Nguồn tin: Viện YHCT Quân Đội