Kết hợp lý luận y học hiện đại với y học cổ truyền trong bấm huyệt

Bấm huyệt là một môn khoa học- thuộc phạm trù ngoại trị trong đông y, trong đó người thầy thuốc sau khi nghiên cứu tình trạng bệnh (bằng các phương pháp chẩn đoán và hỗ trợ chẩn đoán của Y học hiện đại (YHHĐ) và Y học cổ truyền (YHCT) thì dùng kỹ xảo thủ pháp để trị liệu. Bấm huyệt thông qua thủ pháp tác động lên vị trí nhất định trên bề mặt cơ của cơ thể, nhằm điều chỉnh tình trạng sinh lý, bệnh lý, điều tiết chức năng tạng phủ, từ đó đạt được hiệu quả trị liệu.

Nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu (cả lý luận và thực tiễn) đều đã khẳng định rằng, phương pháp điều trị này được dựa trên những nguyên lý trị liệu cơ bản của YHHĐ và YHCT. Dưới đây là một số nguyên lý cơ bản của phương pháp trị liệu bấm huyệt:

1. Điều chỉnh những sai lệch giải phẫu

YHHĐ và YHCT đều nhận thấy một số bệnh tật được bắt nguồn từ sự mất cân bằng trọng lực của cơ thể lên hệ thống xương khớp, đặc biệt là cột sống và khung chậu. Sự mất cân bằng này thường xảy ra khi chúng ta vận động quá nhiều, quá ít hoặc sai tư thế (Chẳng hạn như: lao động hay luyện tập, thi đấu thể dục thể thao quá sức, tư thế không đúng; hoặc do cuộc sống quá ít vận động làm cho hệ thống cơ, dây chằng quá yếu không chịu được sức nặng của bản thân cơ thể;...) gây di lệch các khớp xương làm ảnh hưởng đến các chức năng liên quan dẫn đến các bệnh tại chỗ như: đau lưng, đau cổ... và các bệnh ở xa do thần kinh, mạch máu bị chèn ép. Vì vậy nắn chỉnh lại các di lệch giải phẫu là trị liệu nguyên nhân hay trị liệu cơ bản.
Khớp xương di lệch, mất cân bằng trương lực giữa các nhóm cơ hay những bệnh chứng do sự dị thường của kết cấu giải phẫu ở các bộ phận có liên quan gây ra thì đều có thể thông qua lực cơ học trực tiếp tác động và điều chỉnh. (lực nắn chỉnh phải được sử dụng hợp lý để không gây tổn thương thêm cho bệnh nhân và phải ngược chiều với lực gây tổn thương, di lệch). Bấm huyệt  giải quyết các sai lệch giải phẫu, nên các thành phần thần kinh, mạch máu bị chèn ép được giải phóng từ đó giải trừ các bệnh tật liên quan.

 

Trong thực tế lâm sàng, những sai lệch vị trí giải phẫu rất thường gặp. Không chỉ những chấn thương cấp tính với lực tác động mạnh mới gây di lệch mà các chấn thương mạn tính như ngồi học sai tư thế, một số tư thế lao động, sinh hoạt bất lợi cũng gây ra những di lệch nghiêm trọng như thoát vị đĩa đệm cột sống. Có một số tác giả nước ngoài đã làm thực nghiệm trên động vật: cho thỏ vào cũi ở tư thế cúi đầu, chỉ sau 5 ngày đã thấy có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ; thoát vị đĩa đệm còn xuất hiện sớm hơn nữa nếu bổ sung thêm vào môi trường thực nghiệm không khí lạnh và ẩm.


Xoa bóp (trong bấm huyệt trị liệu) tác động đến hệ thần kinh thực vật qua cơ chế phản xạ (phản xạ của hệ thực vật) nhằm điều trị một số chứng và bệnh ở nội tạng như: đái tháo đường, hen phế quản (chống co thắt), hạ huyết áp, tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch vị, tăng tiết dịch mật ,...


Phản xạ dựa vào sự liên quan của dãy hạch thực vật hai bên cột sống với nội tạng (xem hình minh hoạ -1) .Vì vậy, cột sống cổ, lưng, thắt lưng là vùng được đặc biệt chú ýý trong xoa bấm, đánh gió cổ truyền.

Kiện Tâm Đường

Sơ đồ hệ thần kinh thực vật

Trong bấm huyệt trị liệu, các kỹ thuật thủ pháp là hết sức quan trọng và phải phù hợp với từng loại bệnh và tình trạng bệnh. Chẳng hạn, bệnh viêm túi mật , có cơ vòng Oddi co thắt, dịch mật bài tiết khó khăn, mà cơ Oddi chịu sự chi phối của hai giây thần kinh giao cảm số 8 và số 9. Khớp đốt sống ngực số 8 và số 9 bị di lệch là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, vì vậy, điều chỉnh sai lệch (nếu có) sẽ là phương pháp trị liệu cơ bản. Tuy nhiên, do bệnh này rất đau đớn nên sẽ khó sử dụng thủ pháp nắn chỉnh ngay, cần ấn nhẹ các huyệt vị có liên quan (đởm du, đởm nang huyệt), sau khi làm giảm đau, mới dùng thủ pháp nắn chỉnh.

2. Nguyên lý “Động tắc thông- Thông tắc bất thống”

Đông y cho rằng sau khi bị tổn thương, kinh mạch bị tắc nên khí huyết không thông, “bất thông tắc thống”. Muốn trị bệnh, điều quan trọng là phải làm cho thông, “thông tắc bất thống”.

2.1. “Động” là ưu điểm của liệu pháp bấm huyệt (vận động liệu pháp), dựa trên nguyên tắc:

“Tùng tắc thông”; “Thuận tắc thông”; “Động tắc thông” nhằm:
- Thúc đẩy hoạt động của các cơ quan trong cơ thể;
- Thúc đẩy sự lưu thông của khí huyết;
- Vận động thụ động cơ, xương, khớp;
- Cải thiện và hồi phục mối quan hệ lực học không hài hoà giữa các cơ, từ đó làm giảm và hết các cơn đau.
Tuy nhiên, “Động” – “Tĩnh” cũng phải được kết hợp, trong khi điều trị. Bệnh nhân và thầy thuốc đều phải giữ tình trí yên tĩnh, tư tưởng tập trung, trong động có tĩnh. Sau khi điều trị và luyện tập phải có quãng thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi để cơ thể có thời gian tự hồi phục. Trong khi nghỉ luyện thở theo phương pháp khí công: toàn thân thư giãn, chỉ có cơ hoành lên xuống – là trong tĩnh có động

2.2. Xoa bấm trực tiếp giúp thả lỏng cơ bắp- thư cân thông lạc

Cụ thể là:
- Tăng cường tuần hoàn cục bộ (lưu lượng máu khi cơ được thả lỏng lớn gấp 10 lần so với lúc bị co cơ), giảm sung huyết và phù thũng.
- Nới lỏng phần kết dính
- Nâng cao ngưỡng chịu đau của cơ quan bộ phận.
- Kéo giãn phần cơ bắp bị co rút giúp cho bắp thịt được thả lỏng, cắt đau đớn;
- Cân lạc được sắp xếp lại đúng vị trí, từ đó mới có thể làm cho khí huyết lưu thông, thông thì sẽ không đau.
Như vậy, bấm huyệt đạt được mục đích thư cân hoạt lạc, khí huyết lưu thông - “tùng tắc thông, thông tắc bất thống” (tùng nghĩa là giãn).

2.3. Lý cân chỉnh phục nghĩa là làm cho cân cơ, các khớp xương sai lệch được điều chỉnh trở lại, từ đó mới có thể giúp khí huyết lưu thông, kinh lạc được thông thuận, thuận tức là thông.

Có thể  nói rằng, bấm huyệt chữa được cả gốc lẫn ngọn “tiêu bản kiêm trị”.
Tóm lại, “bấm huyệt” là phương pháp chữa bệnh tự nhiên nhất, an toàn nhất, không độc hại và hầu như không có tác dụng phụ. Hiệu quả rõ rệt của bấm huyệt đã được trải nghiệm suốt hàng ngàn năm lịch sử. Cần thay đổi quan niệm xoa bấm là “đơn giản, rẻ tiền, dễ học, dễ làm”, vì nguyên nhân, biểu hiện của mỗi bệnh nhân đều có tính cá biệt rất cao. Người thầy thuốc bấm huyệt cần có kiến thức sâu rộng về y học cơ sở, sinh vật lực học của y học hiện đại, lý luận y học cổ truyền và thành thục kỹ xảo thủ pháp cổ truyền. Ngày nay, dựa trên những tiến bộ của Y sinh học, bấm huyệt ngày càng khẳng định vị trí trong nền Y học hiện đại, đã biến quá trình được chữa bệnh thành quá trình được hưởng thụ và được giới y học gọi là “Y học xanh”. Tuy nhiên, cần có thêm những công trình nghiên cứu chuyên sâu và hệ thống để có thể khẳng định và phát huy hơn nữa hiệu quả của các phương pháp điều trị không dùng thuốc nói chung và phương pháp bấm huyệt nói riêng.

Tài liệu tham khảo:
1. PGS. TS. Dương Xuân Đạm, “Vật lý trị liệu đại cương nguyên lý và thực hành”,  Nhà Xuất bản văn hoá thông tin, Hà Nội 2004.
2. Yanjuntao tuinaxue zhongguozhongyiyao chubanshe 2004.
3. Jirí Dvorak; Vacslav Drorak, “Hướng dẫn thăm khám – chẩn đoán và điều trị bằng tay – Kỹ thuật chuyên khoa về vật lý trị liệu thần kinh - cơ - khớp” (BS.Lê Vinh biên dịch), NXB Y học, Hà Nội 2007.

Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Vui - TT Huấn luyện & Đào tạo